Sự thành công và tình thầy trò

VHO - Mấy ngày nay “truyện dài kỳ” xung quanh việc trò tố thầy ở đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia làm xôn xao dư luận. Có thể ở một góc nhìn nào đó, sự việc này đã đưa ra ánh sáng những góc khuất, nhưng về tình cảm, về đạo lý, nhiều người không khỏi cảm thấy xót xa.

Sự thành công và tình thầy trò - Anh 1
 

 Các HLV luôn là người đồng hành cùng thành công của các VĐV (trong ảnh: HLV Trương Minh Sang (phải) đang tận tình phân tích kỹ thuật cho VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong thực hiện trong một buổi tập. Khánh Phong là VĐV đầu tiên của TDDC nam giành được tấm HCB quý giá tại Asian Games 19)

Xót xa là bởi lẽ người mà VĐV Phạm Như Phương tố cáo là người thầy, người mà cô gọi là mẹ đã đồng hành cùng cô trong một hành trình gian khó trong cuộc đời của VĐV, ngay từ khi Phương mới 7 tuổi. Xót xa ở chỗ bài Phương đăng tố thầy cũng ngay trên tờ báo mà vào ngày 18.5.2022 đã đăng tải một bài viết bằng hình ảnh đầy xúc động, với những dòng mô tả như: “HLV Nguyễn Thùy Dương, người mà Phương thường gọi “mẹ Dương” luôn bên cạnh cô học trò, giúp Phương có sự chuẩn bị tốt nhất trước mỗi phần thi” và rằng: “Phương ôm chầm lấy mẹ Dương sau màn thể hiện tốt phần thi cầu thăng bằng”...

Vậy tại sao mới chưa đầy 2 năm, mối quan hệ “mẹ con” từng làm bao người xúc động qua mặt báo bỗng thành mối quan hệ đối đầu khi Phương tung hàng loạt chứng cứ chứng minh người thầy của cô, người mà cô gọi là mẹ đã bắt cô chia “phế” tiền thưởng cùng hàng loạt chi tiết khác?

Rõ ràng như chúng tôi đã nói, ở một góc độ nào đó câu chuyện trò tố thầy cũng cho thấy những góc khuất để những người thầy cũng phải xem lại cách ứng xử của mình như thế đã đúng đạo lý làm thầy hay chưa. Nhưng ngược lại nhiều người, nhất là những người am hiểu thể thao, hiểu được nỗi vất vả, áp lực đè nặng lên vai của các HLV cũng đang có nhiều chua xót cho người trong cuộc.

Cách đây nhiều năm, người viết từng đến khu nhà cũ kỹ của đội tuyển thể dục dụng cụ nữ ở sân Quần Ngựa, Hà Nội, chứng kiến cảnh một nữ HLV trẻ tuổi “tất tả” với “đàn con” là các VĐV, cũng giặt giũ, phơi phóng như các bà mẹ ở nhà. Lúc đó tôi đã ứa nước mắt khi nghe câu chuyện thầy và trò họ cùng kể lại rằng, thuở những Ngân Thương, Thùy Dương (người vừa bị học trò tố cáo) cũng khoảng 6 - 7 tuổi đã phải rời xa gia đình sang Trung Quốc tập huấn. Khi đó một trong những nữ huấn luyện viên đi theo đội là cô gái mới 18 tuổi xinh xắn, người Hà Nội này.

Cô ấy còn trẻ, chưa chồng, cũng trưởng thành từ VĐV, ở nhà cô ấy cũng được bố mẹ cưng chiều. Nhưng khi sang Trung Quốc, cai quản cả đám trẻ con, tối đến khóc như ri vì nhớ mẹ, nữ HLV bối rối, không biết phải làm sao. Rồi cô cũng phải nghĩ ra nhiều cách giúp đám trẻ vui hơn, chăm sóc chúng tốt hơn. Thế nhưng vất vả nhất là việc khi đám trẻ ốm, có hôm 5h sáng, nữ HLV trẻ tuổi phải cõng học trò bị đau bụng quằn quại đến phòng y tế khám.

Rồi khi lớn hơn một chút, các HLV lại cùng đồng hành, chia sẻ với các VĐV những buồn, vui, giận hờn, oán trách ở tuổi mới lớn. Chính vì sự gắn bó như vậy nên các VĐV thường hay yêu quý gọi các HLV là cha, là mẹ vì họ đã thay người cha, người mẹ ở bên các em trong hành trình dài tập luyện khó nhọc.

Tôi biết Thùy Dương từ khi là VĐV cùng lứa với cô gái “vàng” Ngân Thương. Họ đều trải qua một tuổi thơ khó nhọc, một thanh xuân phải hy sinh, chịu đựng để cùng các HLV lập nên nhiều thành tích. Và họ vẫn dành những tình cảm mến thương cho các người thầy đến tận bây giờ.

Tại Asian Games 19 vừa qua, tôi gặp lại Dương, cô gái hiền lành, nhút nhát ngày nào giờ đã là HLV nhưng vẫn hiền, vóc dáng hao gầy, trông khá vất vả. Nhiều người trong đội kể với tôi rằng để có một Phạm Như Phương với thành tích từng đoạt HCB, HCĐ SEA Games, HLV Thùy Dương cũng phải rất kỳ công, cùng trò khổ luyện, cố gắng đổi mới giáo án huấn luyện để học trò ngày càng tiến bộ. Hai thầy trò cũng gắn bó lâu năm nên cũng yêu quý, gắn bó nhau.

Học trò đều ở tuổi mới lớn nên nhiều khi HLV cũng phải chịu đựng. Có thể nói họ đã chia ngọt, sẻ bùi trong suốt từng ấy năm, từ khi Phương 7 tuổi đến khi cô 20 tuổi. Chắc chắn Phạm Như Phương cũng rất nỗ lực tập luyện thì cô mới cùng HLV của mình đạt thành tích như thế. 13 năm gắn bó chắc chắn sẽ đủ để tưởng như “mẹ Dương” hiểu hết về Phương và ngược lại. Thế nhưng…

Khác với các thầy cô giáo ở trường học, các thầy cô giáo là các HLV phải luôn gắn bó, quan sát học trò, lo lắng từ bữa ăn tới giấc ngủ rồi trạng thái tâm lý vì chỉ cần chệch ra khỏi quỹ đạo, VĐV khó lòng “nuốt” được giáo án chứ chưa nói gì đến chuyện vượt ngưỡng về thành tích. Vất vả như vậy nhưng chế độ dành cho các HLV còn hạn chế. Có nữ HLV tâm sự với tôi: “Em phải gửi con ở nhà cho chị gái, bỏ hết việc gia đình để lo cho học trò nhưng giờ lo quá, mình chật vật như vậy, sẽ nuôi con bằng cách nào?”.

Khi VĐV có thành tích thì tiền thưởng theo quy định các học trò sẽ cao hơn. Còn thầy sẽ chia ra thành các phần cho HLV trực tiếp và HLV cơ sở. Khi thưởng nóng, các nhà tài trợ cũng thường thưởng cho VĐV mà quên mất rằng trong thành công đó có dấu ấn lớn của các HLV. Thế nên không phải đến tận bây giờ mà chuyện mâu thuẫn, xì xèo từ tiền thưởng đã tồn tại trong một số câu chuyện trước đó. Bởi nhiều khi các học trò khi được thưởng, có khi vài trăm triệu hoặc 1 tỉ đồng thì đã quên mất người thầy cũng đang phải đối mặt với cơm áo, gạo tiền của cuộc sống đời thường.

Dân tộc ta có truyền thống tốt đẹp, “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, có ngày 20.11 để tôn vinh những người thầy. Đó là đạo lý tốt đẹp về lòng biết ơn để mỗi học trò có dịp thể hiện sự tri ân của mình. Trong vụ lùm xùm tiền thưởng ở đội tuyển Thể dục dụng cụ rõ ràng HLV Nguyễn Thùy Dương đã sai khi bảo học trò chi phần trăm tiền thưởng. Không biết góc khuất còn những chỗ nào nhưng câu chuyện này cứ làm cho nhiều người cảm thấy day dứt: Giá như HLV không làm sai? Giá như các VĐV hiểu được đạo lý “không thầy đố mày làm nên” để biết ơn, biết sẻ chia hơn với những cực nhọc của các HLV thì đâu nên nỗi?

Có lẽ sau câu chuyện này các HLV cũng phải tự xem lại việc huấn luyện, quản lý của mình và các VĐV cũng cần được dạy dỗ, tự trui rèn thêm về mặt đạo đức để có lòng trắc ẩn, biết tri ân những người đã giúp đỡ mình. Bởi muốn trở thành VĐV giỏi trước tiên họ phải là công dân tốt, là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo. Họ được Nhà nước ưu đãi, tạo điều kiện nhờ có tài năng thiên bẩm và sự nỗ lực thì cũng cần tự hỏi: Mình đã làm gì cho Tổ quốc, cho gia đình, các thầy cô và mọi người xung quanh! 

VÂN SA

Ý kiến bạn đọc